Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 1

* MẸ MARIA VÀ THÁNH GIOAN ĐI EPHESÔ;

* HERODE ĐÀN ÁP GIÁO HỘI;

* THÁNH GIACÔBÊ TỬ ĐẠO;

* THIÊN THẦN GIẢI THOÁT THÁNH PHÊRÔ;

* THÁNH Ý CHÚA TỎ HIỆN CHO MẸ MARIA KHI MẸ Ở EPHESÔ

 Trước ngày đi Ephesô, Mẹ Maria, có thánh Gioan tháp tùng, đi viếng thánh địa Ơn Cứu Chuộc, để tôn kính tưởng niệm các nơi được Chúa Cứu Thế thánh hóa bằng việc hiện diện và đổ máu cực châu báu tại đó. Mẹ viếng các nơi này mà nước mắt tuôn trào vì yêu mến nồng nàn. Mẹ lại ủy thác cho các thiên thần được cử canh giữ thánh địa chống lại việc Lucifer và ma quỉ muốn phá hoại hoặc xúc phạm các nơi này bằng những hành động bất kính qua những người Do Thái cứng lòng không tin. Mẹ yêu cầu các ngài dùng ơn linh thánh xua đổi các tư tưởng muốn xóa bỏ mọi kỷ niệm về Chúa Cứu Thế do ma quỉ gieo vào lòng những người đó.

 Tới ngày thứ tư chuẩn bị đi Ephesô, tức là ngày 5 tháng 1 năm 40, thánh Gioan trình Mẹ Maria biết đã tới lúc khởi hành, con tầu và mọi thứ đã sẵn sàng. Mẹ Maria lập tức quì xuống xin Chúa cho phép rời khỏi Nhà Tiệc Ly và Jerusalem. Kế đến, Mẹ từ biệt vị chủ nhà và mọi người. Ai nấy hết sức buồn vì cuộc chia tay này; các tín hữu tại đây cảm thấy bị tuớc mất sự hiện diện đầy an ủi của Mẹ mà đối với họ là Kho Tàng bao la và suối nguồn chan chứa ân sủng. Mọi người xin tiễn đưa Mẹ, nhưng không được. Mọi người xin Mẹ mau mau trở lại và đừng bỏ ngôi nhà này vĩnh viễn; ngôi nhà này hoàn toàn thuộc quyền Mẹ. Đức Hiền Mẫu cám ơn mọi người vì tình cảm yêu mến nồng nàn này.

 Mẹ quì gối xin thánh Gioan chúc lành cho chuyến đi, như Mẹ vốn thường xin Thiên Chúa Con Mẹ. Mẹ tiếp tục thi hành thánh đức vâng lời và khiêm tốn đối với vị môn đệ yêu dấu Gioan, người thay thế Chúa Cứu Thế làm con Mẹ. Nhiều tín hữu ở Jerusalem dâng tặng Mẹ tiền bạc, nữ trang, các thứ cần thiết cho cuộc hải trình. Mẹ Maria khiêm tốn cho mọi người biết Mẹ cảm động vì tình yêu của họ, nhưng không nhận gì cả. Trong chuyến vượt đại dương này, Mẹ đi trên chiếc tàu khiêm nhượng. 

Mẹ nhớ lại các hành trình và các chuyến đi truyền giáo cùng với Thiên Chúa Con và những hành trình với thánh phu quân Giuse. Các kỷ niệm này cùng với tình yêu thiên đàng làm thức dậy nơi trái tim bồ câu hiền từ của Mẹ những tình cảm yêu thương nồng nàn.  Đây là lần đầu tiên Mẹ Maria đi trên biển. Mẹ hiểu rõ ràng Địa Trung Hải và lưu thông của hải dương này với đại dương. Mẹ thấy rõ chiều sâu, bề dài bề rộng, các hang sâu và tài nguyên ẩn kín, đất cát và các khoáng chất, thủy triều, các sinh vật, cá voi, các loại cá thuộc mọi cỡ, và mọi sinh vật kỳ lạ ở hải dương này. Khi cuốn phim vĩ đại này phản ánh sự cao cả toàn năng của Đấng Hóa Công được mở ra trước mắt Mẹ, linh hồn Mẹ bay thẳng tới Thiên Chúa, Đấng hiện diện cách hết sức lạ lùng nơi các thụ tạo đó. Mẹ thay cho tất cả và trong tất cả dâng lời chúc tụng tôn vinh lên Đấng Tối Cao. Mẹ tha thiết xin Đấng Toàn Năng bảo vệ những người sẽ kêu cầu thánh danh Mẹ, xin Mẹ cầu bầu được thoát khỏi mọi gian nguy trên biển cả. Chúa nhận lời Mẹ xin, hứa ban ơn cứu giúp cho bất cứ ai đi trên biển cả thành tâm nhìn lên Sao Bắc Đẩu là Mẹ Maria rất thánh xin cứu giúp trong những lúc gian nguy.

 Khi lên đất, Mẹ Maria tiếp tục làm nhiều phép lạ tương đương với số các phép lạ Mẹ đã làm trên biển. Mẹ chữa lành những người bệnh tật, những người bị quỉ ám. Một số Kitô hữu đã từ Jerusalem tới cư ngụ tại Ephesô. Khi nghe tin Đức Hiền Mẫu của Chúa Cứu Thế đến, mọi người vội vàng tới kính thăm Mẹ, hiến dâng nhà cửa và mọi sở hữu tùy Mẹ sử dụng. Mẹ Maria chọn ở chung với một số phụ nữ lớn tuổi nghèo, những người này sống tự túc không giao tiếp với nam giới. Các bà đã yêu mến quảng đại đặt nhà của mình dưới quyền Mẹ Maria. Các bà dành một căn phòng yên tĩnh nhất cho Đức Hiền Mẫu và một phòng khác cho thánh Gioan. 

 Mẹ Maria cám ơn các bà chủ nhà và ở chung nhà với Mẹ. Kế đó Mẹ lui vào phòng riêng, phủ phục trên đất như Mẹ vốn thường thi hành khi cầu nguyện. Mẹ thờ lạy Thiên Chúa hằng hữu, hiến dâng mình phụng sự Chúa tại thành phố này. Mẹ nói: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, do lòng đại lượng vô biên, Chúa đổ muôn hồng ân khắp toàn thể trời đất (Jer. 23:34). Con, nữ tì hèn mọn của Chúa, ước nguyện chu toàn trọn vẹn thánh ý Chúa, trong mọi việc, mọi nơi, mọi lúc, mà thánh ý khôn ngoan vô cùng của Chúa sẽ sắp đặt cho con. Chúa là Thiên Chúa duy nhất của con; toàn thân con, trót sinh mạng con, mọi tư tưởng lời nói, mọi hành động của con đều hướng về làm vui lòng và thỏa ý Chúa.”

 Mẹ tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội và đưa ra các chương trình giúp đỡ toàn thể tín hữu. Mẹ phái các thiên thần đi trợ giúp các thánh Tông Đồ và môn đệ. Mẹ biết các ngài gặp phải áp lực nặng nề trong các cuộc bách hại do ma quỉ tạo ra qua những người bất tín. Trong những ngày đó thánh Phaolô trốn khỏi Damascus vì những tấn công của người Do Thái tại địa phương, như chính ngài nhắc tới trong thơ thứ hai gởi Giáo Đoàn Corinthô: ngài được thả xuống trốn khỏi thành Damascus trong chiếc thúng (2 Cor 11:23). Để bảo vệ thánh Phaolô khỏi những nguy hiểm này và các nguy cơ mà Lucifer đe dọa ngài trên đường về Jerusalem, Mẹ Maria phái nhiều thiên thần bảo vệ ngài. Đây là hành trình mà chính thánh Phaolô nói tới trong thơ gởi Giáo Đoàn Galata (Gal. 1:18).

 Thánh Sử Luca, trong Chương 9 Tông Đồ Công Vụ, nói suốt nhiều ngày sau khi thánh Phaolô qui phục, những người Do Thái ở Damascus âm mưu sát hại ngài. Kế đến Thánh Sử kể thêm rằng các môn đệ Chúa Kitô, vì biết người Do Thái (tại Damacus) âm mưu sát hại thánh Phaolô, nên đang lúc đêm đã để ngài trong một cái thúng, thòng thả ra ngoài tường thành để ngài đi Jerusalem. Tại Jerusalem, mặc dầu biết việc thánh Phaolô trở lại cách lạ lùng, các thánh Tông Đồ và môn đệ vẫn có chút e ngại nghi ngờ, vì ngài đã từng bị coi là kẻ thù Chúa Kitô. Mọi người e dè thánh Phaolô, cho tới khi thánh Barnabê giới thiệu ngài với thánh Phêrô, thánh Giacôbê và các môn đệ khác (Tđcv 26:27). Thánh Phaolô quì hôn chân Vị Đại Diện Chúa Kitô, nhìn nhận lỗi lầm, xin được nhận là một trong các người dưới quyền thánh Phêrô và theo Thầy Chí Thánh, mà ngài ước ao rao giảng và đổ máu ra vì thánh danh và đức tin vào Chúa. Thánh Phaolô được thánh Phêrô và các môn đệ khác vui mừng đón nhận. Tất cả mọi người dâng lời tạ ân lên Đấng Tối Cao, và yêu cầu thánh Phaolô rao giảng tại Jerusalem. Thánh Phaolô hoan hỉ thi hành và làm cho những người Do Thái vốn quen biết ngài ngỡ ngàng. Lời thánh Phaolô giảng tựa như những mũi tên lửa xuyên thấu trái tim người nghe. Khắp Jerusalem sôi sục vì tin thánh Phaolô tới, người ta tụ họp để tận mắt nhìn thấy ngài.

 Lucifer và các quỉ không ngủ quên trong biến cố này, vì chúng bị Đấng Toàn Năng chiếu cố cùng với sự hành hạ tăng thêm khi thánh Phaolô tới Jerusalem. Lucifer, tức giận điền cuồng, tập hợp nhiều đạo quân quỉ, lại khiêu khích chúng tức giận, dốc toàn lực ác độc để triệt hạ ngài, không để cho viên đá nào tại Jerusalem và khắp thế giới nằm yên vì mục đích này. Bọn quỉ dữ lập tức thi hành việc này, xúi giục Herode và người Do Thái chống lại thánh Phaolô. Mẹ Maria cũng nhận được tin tức về mọi việc xảy ra cho thánh Phaolô từ các thiên thần Mẹ gởi tới bảo vệ ngài. Từ tĩnh phòng tại Ephesô, Mẹ nhìn thấy mọi việc; Mẹ đón chờ sự xáo trộn sẽ xảy ra do lòng ác độc quỉ quyệt của Herode và người Do Thái đặc biệt chống lại thánh Phaolô. Mẹ biết việc duy trì mạng sống của thánh Phaolô hết sức quan trọng đối với việc tôn vinh thánh danh Thiên Chúa và truyền bá Phúc Âm. Mẹ tìm cách giúp đỡ dồi dào hơn nữa bằng việc gia tăng cầu nguyện xin Chúa bảo vệ các thánh Tông Đồ và Giáo Hội. Để làm dịu bớt các lo âu của Mẹ, một hôm khi Mẹ đang cầu nguyện, Chúa hiện ra hứa rằng Chúa sẽ thoả mãn mọi điều Mẹ xin, bảo vệ mạng sống thánh Phaolô trong cơn nguy cấp và các tấn công của ma quỉ. Một hôm trong khi thánh Phaolô cầu nguyện trong đền thờ, ngài được thị kiến; Chúa truyền cho ngài lập tức rời khỏi Jerusalem để giữ sinh mạng ngài thoát khỏi lòng hận thù ghen ghét của những người Do Thái bất tín.

 Dịp đó thánh Phaolô ở lại Jerusalem không quá mười lăm ngày, như ngài nói trong thơ gởi giáo đoàn Galata (Gal. 1:18). Ít năm sau, thánh Phaolô từ Miletus và Ephesô trở lại Jerusalem rồi bị bắt giam, ngài thuật lại lần ngất trí này trong đền thờ và lệnh Chúa truyền rời khỏi Jerusalem trong Chương 22 Tông Đồ Công Vụ. Thánh Phaolô trình lại với thánh Phêrô về thị kiến và lệnh Chúa truyền. Sau khi suy xét sự nguy hiểm chí tử của ngài, thánh Phaolô được bí mật gởi đi Caesarêa và Tarsô với ủy nhiệm rao giảng cho các dân ngoại không phân biệt một ai.

 Được Chúa hứa bảo vệ sinh mạng thánh Phaolô, Mẹ Maria hy vọng nhờ ơn phù trợ của Đấng Quan Phòng có thể bảo vệ thánh Giacôbê, cháu Mẹ. Thánh Giacôbê rất yêu quí đối với Mẹ, ngài được hàng trăm thiên thần, do Mẹ chỉ định, bảo vệ và đồng hành tại Granada. Các thiên thần hộ vệ thánh Giacôbê thường đi đi về về, đem các lời cầu xin của ngài tới Mẹ Maria và lời Mẹ chỉ dạy cho ngài; nhiều lần Mẹ Maria hiện ra với thánh Giacôbê để an ủi, chỉ dạy và cứu giúp khi nguy cấp. Khi hoàn thành giáo đoàn nhỏ tại Pillar thuộc Saragossa, thánh Giacôbê trao lại cho vị giám mục và các môn đệ được chỉ định tại đó trông coi, cũng như tại các thành phố khác ở Tây Ban Nha. Thánh Giacôbê rời khỏi Saragossa, tiếp tục truyền giáo qua nhiều tỉnh thành. Sau khi tới Catalonia, ngài đáp tầu đi nước Ý, từ đó giong ruổi đường bộ vừa đi vừa rao giảng cho tới khi đáp tầu đi Tiểu Á.

 Thánh Giacôbê sung sướng đến Ephesô, ngài quì nơi chân Đức Hiền Mẫu Đấng Tạo Hoá. Ngài tạ ân Mẹ Maria vì muôn đặc ân Thiên Chúa ngài nhận được qua Mẹ suốt các hành trình rao giảng ở Tây Ban Nha, nhất là các lần Mẹ viếng thăm. Đức Hiền Mẫu nâng thánh Giacobê lên và nói: “Thưa chúa công của mẹ, xin nhớ ngài được Chúa xức dầu tấn phong và là thừa tác của Chúa, còn mẹ chỉ là con trùng hèn hạ.” Mẹ Maria quì xuống xin thánh Giacôbê, với tư cách là linh mục, chúc lành cho Mẹ. Thánh Giacôbê lưu lại Ephesô vài ngày với Mẹ Maria và thánh Gioan, em ngài, và kể lại với thánh Gioan mọi việc xảy ra cho ngài tại Tây Ban Nha. Thánh Giacôbê trở lại Jerusalem vào thời gian toàn thể thành này sôi sục chống lại các môn đệ và tín hữu Chúa Kitô. Người Do Thái điên cuồng chống lại thánh Tông Đồ Giacôbê và quyết định giết ngài khi họ thấy các hy vọng của họ tan vỡ vì việc trở lại và lòng tin sắt đá của các ông Philetus và Hermogenes. Để thi hành mục đích này họ hối lộ Democritus và Lysias, sĩ quan đại đội trưởng vệ binh La mã, xin cấp cho họ lính để bắt giữ thánh Tông Đồ. Để che giấu hành động dối trá của họ, họ dàn cảnh cuộc cãi lộn trong khi thánh Giacôbê rao giảng để bắt giữ ngài. Việc thi hành âm mưu ác độc này được trao cho Abiator, vị thuợng tế năm đó, và Josias, một ký lục đồng mưu. Thuợng tế Abiator và viên ký lục điên cuồng giận dữ khi thánh Giacôbê giảng cho dân chúng về mầu nhiệm Ơn Cứu Chuộc, chứng minh lời ngài giảng bằng sự khôn ngoan lạ lùng rút từ các chứng tích trong Cựu Ước, làm người nghe cảm động chảy nước mắt ăn năn thống hối. Sau khi làm hiệu cho bọn lính La mã, Abiator sai Josias quàng sợi thừng quanh cổ thánh Giacôbê, đè ngài xuống, la lên rằng ngài là người gây rối loạn trong dân chúng và là tác giả một tôn giáo mới chống lại đế quốc La Mã. Democritus và Lysias cùng với đám lính xông tới trói và giải nạp thánh Giacôbê cho Herode (thứ). Bị Lucifer và người Do Thái xúi bẩy hận thù các tín hữu Chúa Kitô, Herode chống lại các môn đệ Chúa, sai lính của y hành hạ và tống giam các môn đệ. Cuộc đàn áp này được thánh Luca kể trong Chương 12 Tông Đồ Công Vụ. Herode lập tức ra lệnh chém đầu thánh Giacôbê như dân Do Thái đòi. Thánh Tông Đồ Giacôbê hết sức hoan hỉ khi bị bắt bị trói giống Thầy của ngài và bị điệu đi lãnh phước tử đạo, mà ngài đã được Mẹ Maria cho biết. Thánh Giacôbê dâng lên những lời khiêm nhượng cảm tạ vì hồng ân này, công khai lặp lại lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Thánh Giacôbê nhớ lại lời ngài cầu khẩn tại Ephesô là Mẹ Maria rất thánh sẽ hiện diện bên ngài khi ngài chết, nên thánh Tông Đồ kêu cầu Mẹ hết sức thiết tha.

 Từ tĩnh phòng, Mẹ Maria nghe các lời cầu nguyện của thánh Tông Đồ yêu dấu và là cháu Mẹ. Trong khi cầu nguyện, Mẹ thấy nhiều thiên thần thuộc mọi đẳng trật từ thiên đàng tới, một số thiên thần bao quanh thánh Tông Đồ tại Jerusalem khi ngài bị điệu tới pháp trường, các thiên thần khác tới bên Đức Nữ Vương tại Ephesô. Một trong các thiên thần nói với Mẹ Maria: “Kính thưa Đức Nữ Vương thiên đàng, Thiên Chúa Tối Cao yêu cầu Đức Nữ Vương lập tức tới Jerusalem an ủi Giacôbê, đầy tớ vĩ đại của Chúa, để hỗ trợ ngài trong giờ chết, ban mọi điều ngài ước ao cách yêu mến và thánh thiện.” Mẹ Maria vui mừng và biết ơn vì đặc ân này. Mẹ chúc tụng Đấng Tối Cao vì ơn bảo vệ những người trông cậy lòng thương xót của Chúa và ký thác mạng sống mình trong tay Chúa. Trong khi thánh Giacôbê bị điệu tới pháp trường, ngài làm nhiều phép lạ cứu rất nhiều người bệnh tật và bị quỉ ám. Những người đó chờ đón dọc đường thánh Giacôbê tới pháp trường, vì tin đồn cuộc hành hình do lệnh Herode lan tràn khắp nơi, rất đông người bất hạnh vội vàng tới để lãnh được những ơn cứu giúp và lời khuyên bảo sau cùng của ngài. Tất cả những người này đều được thánh Tông Đồ chữa lành bệnh tật.

 Các thiên thần đưa Mẹ Maria tới nơi hành quyết thánh Giacôbê tại Jerusalem. Thánh Tông Đồ quì gối dâng hy lễ lên Thiên Chúa. Ngài thấy Đức Nữ Vương thiên đàng ở trước mặt, có muôn vàn thiên thần vây quanh. Khi thấy cảnh huy hoàng thiên đàng này, linh hồn thánh Giacôbê bừng lên niềm vui mới và trái tim ngài cháy lên tình yêu thánh thiêng nồng nàn. Ngài ước muốn tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Nữ Vương muôn loài. Nhưng một thiên thần nói: “Này Giacôbê, tôi tớ của Đấng Tạo Hoá, hãy giữ lại trong tim những tình cảm quí giá này, đừng nói cho những người Do Thái tại đây biết Đức Nữ Vương của chúng ta hiện diện. Những người đó không xứng đáng và không thể nhận biết Người. Thay vì tôn kính Người, chúng làm cho trái tim chúng càng chai đá hận thù.” Được khuyên như thế, thánh Tông Đồ không lớn tiếng mà chỉ mấp máy môi âm thầm nói với Mẹ Maria:

 

  ”Lạy Đức Hiền Mẫu Chúa Giêsu Kitô của con, Nữ Vương và Đấng bảo vệ con, Người là niềm an ủi cho những ai đau khổ, nơi nương ẩn cho các kẻ khốn cùng. Lạy Nữ Vương của con, trong giờ phút này, xin cho con hồng ân đáng ước vọng của Người. Xin dâng hiến hy lễ mạng sống con lên Thiên Chúa Con của Người và là Đấng Cứu Chuộc thế giới. Con bừng cháy lòng khao khát được là hy lễ toàn thiêu vì vinh danh Chúa. Xin đôi bàn tay cực tinh tuyền không tì vết của Mẹ ngày hôm nay là bàn thờ dâng hiến hy lễ con, để hy lễ này có thể trở nên đáng được Thiên Chúa chấp nhận. Con ký thác linh hồn con trong tay Mẹ, để qua tay Mẹ, linh hồn con tới tay Đấng Tạo Thành.” Sau khi nói những lời này và gắn mắt nhìn vào Mẹ Maria đang nói với trái tim ngài, thánh Tông Đồ Giacôbê bị lý hình chém đầu. Mẹ Maria đã đón linh hồn thánh Tông Đồ yêu dấu đem về thiên đàng trình lên trước Thiên Chúa Con Mẹ.

 Khi Mẹ Maria rất thánh vào thiên đàng cùng với của lễ này, Mẹ đã tạo ra niềm hân hoan cho toàn thể triều đình thiên quốc; Mẹ được đón tiếp bằng những lời ca chúc tụng. Đấng Tối Cao nhận và đặt linh hồn thánh Giacôbê trong vinh quang tuyệt vời giữa các thần thánh. Phủ phục trước ngai toà Thiên Chúa Toàn Năng, Mẹ Maria dâng lời chúc tụng tạ ân vì phước tử đạo hiển vinh mà một trong các thánh Tông Đồ đã được. Dịp này Mẹ Maria không trực diện thị kiến Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng Thiên Chúa Ba Ngôi ban muôn vàn đặc ân mới cho Mẹ và cho Giáo Hội. Toàn thể các thánh chúc tụng Mẹ. Kế đó các thiên thần đưa Mẹ trở lại tĩnh phòng tại Ephesô, tại đây một thiên thần xuất hiện dưới hình bóng Mẹ. Khi trở lại tĩnh phòng, Đức Hiền Mẫu mọi thánh đức thiên đàng phủ phục tạ ân Đấng Tối Cao vì mọi việc đã xảy ra.

 Đêm đó các môn đệ thánh Giacôbê lấy xác ngài bí mật đưa tới Jaffa, từ đó họ đáp tàu đưa xác thánh Giacôbê tới Galicia nước Tây Ban Nha. Mẹ Maria gởi một thiên thần hướng dẫn họ tới hải cảng Galicia. Mặc dầu không nhìn thấy thiên thần, các môn đệ thánh Giacôbê cảm thấy được bảo vệ cách lạ lùng suốt hành trình. Nước Tây Ban Nha nhận được đức tin nhờ thánh Giacôbê. Đức tin đã ăn rễ rất sâu trong trái tim các tín hữu nhờ ơn bảo trợ dồi dào của Mẹ Maria; bây giờ lại nhờ Mẹ mà quốc gia này được bảo quản thi hài thánh Tông Đồ. Thánh Giacôbê chết ngày 25 tháng 3 năm 41 Công Nguyên: 5 năm 7 tháng kể từ ngày ngài xuất hành rao giảng Tin Mừng tại Tây Ban Nha. Thánh Giacôbê tử đạo vào đúng ngày tròn 7 năm sau Cuộc Tử Nạn của Chúa Cứu Thế.  Cái chết của thánh Giacôbê mà Herode vội vàng xúc tiến đã gia tăng đáng kể lòng ác độc bất kính của người Do Thái chống Giáo Hội Chúa Kitô. Họ thấy sự tàn bạo của hôn quân ác độc Herode là phương tiện hữu hiệu cho việc họ theo đuổi lòng hận thù chống lại các Kitô hữu. Lucifer và lũ quỉ của nó cũng cùng ý hướng đó. Herode đã thi hành việc Lucifer xúi bắt thánh Phêrô để mua chuộc cảm tình dân Do Thái đối với những mục đích thấp hèn tạm bợ của y. Ma quỉ rất kinh sợ Vị Đại Diện Chúa Kitô vì quyền lực từ ngài phát ra chống lại chúng. Chúng âm thầm tìm cách đẩy nhanh việc bắt giam ngài. Thánh Phêrô, bị trói bằng nhiều xiềng xích, nằm trong hầm tù chờ tới sau Lễ Vượt Qua sẽ bị hành quyết (Tđcv 12:4).

 Mẹ Maria biết rõ cuộc khủng hoảng nguy hiểm đe dọa Giáo Hội. Mẹ thấy mọi việc xảy ra tại Jerusalem. Mẹ gia tăng cầu nguyện khẩn thiết, lo âu. Mẹ phủ phục trên đất, huyết lệ đầm đìa, xin Chúa giải phóng thánh Phêrô và bảo vệ Giáo Hội. Những lời Mẹ cầu nguyện xuyên thấu Trái Tim Chúa Giêsu Con Mẹ. Để đáp ứng lời Mẹ, chính Chúa hiện ra khi Mẹ đang cầu nguyện. Đức Vua Tối Cao âu yếm nâng Mẹ lên và nói: “Thưa Mẹ của Con, xin Mẹ nguôi lòng đau đớn và hãy xin bất cứ điều gì Mẹ muốn. Con sẽ ban mọi điều Mẹ xin; Mẹ sẽ nhận được mọi điều đó vì vui lòng Con. Con muốn Mẹ hành động theo ý Mẹ, Mẹ hãy dùng quyền lực Con ban cho Mẹ: Mẹ hãy làm hoặc tháo gỡ bất cứ điều gì cần thiết vì lợi ích cho Giáo Hội, Mẹ biết mọi giận dữ điên cuồng ma quỉ sẽ hướng vào Mẹ.” Mẹ Maria tạ ơn Chúa vì đặc ân mới này và tận hiến thi hành các cuộc chiến đấu cho các tín hữu Chúa. Mẹ nói: “Lạy Thiên Chúa Tối Cao, nguồn hy vọng và sinh lực linh hồn mẹ, trái tim và linh hồn nữ tì Chúa được chuẩn bị để chịu gian khổ vì các linh hồn đã được chuộc bằng Máu Thánh và Sinh Mạng của Chúa. Mặc dầu mẹ chỉ là bụi đất vô dụng, mẹ biết Con quyền năng khôn ngoan vô cùng; với ơn trợ giúp của Con, mẹ không sợ rắn già hỏa ngục. Vì Con muốn mẹ quyết định, hành sử nhân danh mẹ vì lợi ích Giáo Hội, bây giờ xin Con truyền cho Lucifer và các quỉ của nó, những kẻ đang gây rối cho Giáo Hội, phải xuống hoả ngục và ở đó cho tới khi Thiên Chúa vui lòng cho phép chúng trở lại thế gian.”

 Lucifer và lũ quỉ của nó biết hình phạt này phát xuất từ Đức Nữ Vương chúng ta, Đấng mà chúng gọi là kẻ thù vì không dám gọi thánh danh Mẹ Maria. Ở trong hoả ngục chúng xấu hổ và mất tinh thần cho tới khi chúng được phép chỗi dậy để chống lại Đức Maria, như sẽ được tường thuật sau. Sau khi chiến thắng ma quỉ, Mẹ Maria thấy Mẹ cũng cần phải chiến thắng sự chống đối của Herode và người Do Thái, Mẹ nói với Thiên Chúa Con của Mẹ: “Hỡi Con và Chúa của mẹ, bây giờ nếu Con muốn, xin hãy cho thiên thần giải thoát Phêrô tôi tớ Con khỏi ngục tù.” Do lệnh Chúa Kitô và Mẹ Maria, một thiên thần đã mau mắn đi giải thoát thánh Phêrô.

 Thánh Phêrô bị xiềng bằng hai dây xích, nằm giữa hai lính canh và một số lính khác gác ở cửa hầm tù. Lễ Vượt Qua đã xong và đêm đó chính là đêm cuối cùng trước khi ngài bị hành quyết theo án đã tuyên. Nhưng thánh Tông Đồ Phêrô bình tâm đến độ ngài ngủ ngon lành không chút lưu ý đến đám lính canh giữ ngài (Tđcv 12:6). Thiên thần phải lay mạnh để đánh thức thánh Phêrô trong khi ngài còn ngái ngủ và bảo: “Dậy mau, thắt lưng và mang giày, cầm lấy áo choàng và đi theo tôi.” Thánh Phêrô thấy ngài không bị xiềng xích và không hiểu việc gì đang xảy ra cho mình, cũng không để ý thị kiến này nghĩa gì, mà lập tức đi theo thiên thần. Sau khi dẫn thánh Phêrô qua một vài đường phố, thiên thần cho ngài biết Thiên Chúa đã giải phóng ngài khỏi nhà tù nhờ lời cầu bầu của Đức Hiền Mẫu rất thánh, rồi thiên thần biến đi. Thánh Phêrô bây giờ hiểu việc huyền nhiệm và tạ ân Chúa.

 Thánh Phêrô nghĩ trước nhất cần phải báo tin ngài được giải thoát, tham khảo thánh Giacôbê Thứ và các tín hữu khác trước khi tìm nơi an toàn. Ngài rảo bước tới nhà bà Maria, mẹ ông Gioan cũng còn tên là Marcô. Đây chính là Nhà Tiệc Ly, tại đây nhiều môn đệ tụ tập trong thời gian này. Thánh Phêrô từ dưới đường gọi mọi người. Chị Rhode chạy xuống coi ai gọi cửa và nhận ra giọng nói của thánh Phêrô. Mừng quýnh, để thánh Phêrô đứng chờ ngoài cửa, chị chạy đi nói cho các môn đệ và mọi người biết thánh Phêrô gọi cửa. Mọi người nghĩ rằng chị Rhode nhận lầm, nhưng chị khăng khăng nói đó chính là thánh Phêrô. Trong khi mọi người trao đổi ý kiến, thánh Phêrô liên tiếp gõ cửa. Khi mở cửa ra, mọi người vui mừng thấy thánh Phêrô được giải thoát. Thánh Phêrô kể cho mọi người nghe các việc đã xảy ra cho ngài để mọi người có thể kín đáo thông báo cho thánh Giacôbê Thứ và các anh em tín hữu. Thấy rằng Herode hẳn sẽ cho tìm bắt ngài hết sức gắt gao, mọi người đồng ý thánh Phêrô cần rời khỏi Jerusalem và không trở lại, vì sợ ngài sẽ bị bắt trong những cuộc lùng bắt sau này. Sau khi truy lùng thánh Phêrô mà không kết quả, Herode trừng phạt các lính canh, và lại điên cuồng giận dữ chống lại các môn đệ Chúa. Nhưng vì lòng kiêu căng và âm mưu của y chống lại Thiên Chúa, Thiên Chúa rút ngắn các hoạt động của y bằng một hình phạt nặng nề sẽ được kể trong đoạn sau. 

 Trong lo âu và tin cậy vào ơn Chúa phù trợ, Mẹ Maria không ngừng đẫm lệ cầu nguyện. Mẹ nói với một trong các thiên thần hộ vệ: “Thưa thừa tác của Thiên Chúa Tối Cao và là thụ tạo của tay Chúa, sự lo lắng cho Giáo Hội Chúa mãnh liệt thúc giục tôi tìm kiếm hạnh phúc và sự phát triển Giáo Hội. Tôi xin người lên trước ngai toà Đấng Tối Cao, dâng lên Thiên Chúa nỗi đau đớn của tôi, xin cho tôi được phép chịu đau khổ thay cho các tôi tớ trung tín của Chúa, xin Chúa ngăn chặn Herode không được tiến hành âm mưu triệt hạ Giáo Hội.” Thiên thần đưa thông điệp của Mẹ Maria lên trước ngai toà Thiên Chúa, trong khi đó Đức Nữ Vương thiên đàng, như một bà Esther khác, liên tục cầu nguyện cho việc giải phóng và ơn cứu độ dân của bà và cho chính bà (Esther 4:16). Thiên sứ được Thiên Chúa Ba Ngôi gởi trở lại với phúc điệp: “Thưa Công Chúa thiên đàng, Chúa các thiên thần phán rằng Người là Hiền Mẫu, là Nữ Vương, là Thầy của Giáo Hội, Người nắm giữ hành sử quyền năng của Chúa bao lâu Người còn ở trần thế; Chúa muốn Công Nương, với tư cách Nữ Vương và Bà Chúa trời đất, tuyên án phạt Herode.”

 Vì khiêm tốn và bối rối trước phúc điệp này, Mẹ Maria nói với thiên sứ: “Như thế tôi sẽ phải tuyên án phạt một thụ tạo là hình ảnh Chúa sao? Vì tôi từ tay Chúa mà ra, tôi biết nhiều kẻ tội lỗi giữa loài người nhưng tôi chưa bao giờ kêu gọi phạt họ. Phần tôi, tôi luôn ước ao họ được cứu chuộc nếu có thể được, chẳng bao giờ xúc tiến mau việc phạt họ. Xin thiên thần trở lại trình lên Thiên Chúa rằng tòa án và quyền lực của tôi tùy thuộc nơi Chúa, tôi không thể tuyên án tử cho bất cứ người nào mà không xin thánh ý Chúa. Nếu được, xin Chúa đem Herode tới con đường Ơn Cứu Độ, tôi sẵn sàng chịu mọi đau khổ ở trần gian theo thánh ý Chúa ngõ hầu linh hồn y không bị hư mất.” Thiên sứ cấp tốc trở lại trình thông điệp của Đức Nữ Vương lên Thiên Chúa Ba Ngôi và được phái trở lại với phúc điệp: “Thưa Bà Chúa và Nữ Vương của chúng thần, Đấng Tối Cao phán rằng Herode là một trong những kẻ thấy trước bị trầm luân, vì y quá sức ngoan cố trong âm mưu ác độc, y sẽ không nghe theo bất cứ lời khuyên bảo răn đe hoặc chỉ dạy nào. Thưa Đức Nữ Vương, y cũng không muốn lợi dụng các công nghiệp Ơn Cứu Chuộc, y không lợi dụng lời cầu bầu của các thánh và cả của chính Đức Nữ Vương xin cho y.”

 Mẹ Maria gởi thiên sứ trở lại thiên đàng lần thứ ba với lời yêu cầu: “Hỡi thiên sứ, nếu Herode cần phải chết để ngăn cản y khỏi đàn áp Giáo Hội, thiên sứ hãy trình lên Đấng Tối Cao rằng do lòng xót thương chiếu cố vô cùng bao la của Chúa, Chúa đã làm cho tôi trong cuộc sống trần gian này trở nên Nơi Nương Náu cho con cháu Adong, là Trạng Sư, là Đấng Bầu Cử cho kẻ tội lỗi, thì việc xét xử của tôi phải là sự xét xử nhân từ khoan dung đại lượng để phù trợ cho tất cả mọi người tìm kiếm sự cầu bầu của tôi. Tất cả các linh hồn sẽ chỉ rời khỏi nơi nương ẩn này với sự bảo đảm chắc chắn được tha thứ nhân danh Con Thiên Chúa của tôi. Vì vậy, nếu tôi là hiền mẫu yêu thương đối với nhân loại, mà họ là thụ tạo bởi tay Chúa và là giá Máu Thánh Chúa, làm sao tôi có thể là vị thẩm phán nghiêm khắc tuyên án phạt một trong những thụ tạo của Chúa? Tôi không bao giờ được trao trọng trách hành sử công lý, mà chỉ có lòng thương xót, đối với cả loài người. Lúc này trái tim tôi bối rối vì xung khắc giữa tình yêu và đức vâng lời thi hành công lý nghiêm khắc. Hỡi thiên sứ, ngài hãy lại trình lên Chúa nỗi lo âu của tôi, và tìm biết phải chăng Chúa không vui lòng nếu Herode phải chết mà không có việc tôi tuyên phạt y.”

 Thiên sứ trở lại thiên đàng lần thứ ba và Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh lắng nghe thông điệp hết sức hài lòng vừa ý đối với tình yêu thương trắc ẩn của Mẹ Maria. Thiên sứ trở lại thông báo cho Bà Chúa yêu thương: “Thưa Đức Nữ Vương, thưa Hiền Mẫu của Đấng Tạo Hoá và thưa Bà Chúa của chúng thần, Thiên Chúa Tối Cao phán rằng lòng thương xót Đức Nữ Vương dành cho những người nào ước muốn lợi dụng sự cầu bầu đầy quyền thế của Đức Nữ Vương, chứ không phải dành cho những kẻ coi thường và khinh ghét sự cầu bầu của Người như tên Herode. Thiên Chúa phán Người là Mẹ Giáo Hội, Người được trao cho mọi quyền năng Thiên Chúa, vì thế thật là chính đáng để Nữ Vương sử dụng quyền năng đó cách thích hợp. Herode phải chết. Nhưng việc đó sẽ phải theo lệnh Đức Nữ Vương.” Mẹ Maria đáp: “Thiên Chúa chí công và các phán quyết của Ngài chính trực (Tv 118:137). Bao lần tôi sẵn sàng chịu đau khổ tới chết để cứu linh hồn Herode, nếu chính y không tự làm cho mình trở nên bất xứng đối với lòng thương xót và tự chọn lấy án trầm luân đời đời. Y là thụ tạo của Đấng Tối Cao (Giób 10:8), được tạo dựng theo hình ảnh Chúa (Stk 1:27). Y được chuộc bằng Máu Con Chiên. Máu Con Chiên tẩy sạch tội lỗi trần gian (Kh 1:5). Nhưng tôi để tất cả mọi điều này một bên và, chỉ xét tới việc y đã trở nên kẻ thù ngoan cố chống lại Thiên Chúa, không xứng đáng với tình bằng hữu đời đời của Ngài. Do đức công chính vô cùng của Thiên Chúa, tôi tuyên phạt y phải chết cái chết xứng đáng với y, để y không phải chịu những hình phạt nặng nề hơn do việc thực thi những điều ác độc y toan tính.”

 Chúa làm việc lạ lùng này vì vinh quang Đức Hiền Mẫu Maria rất thánh và chứng tỏ Chúa đã tôn Mẹ là Nữ Vương muôn loài để Mẹ hành động với quyền tối thượng do Thiên Chúa Con Mẹ thông cho. Tác giả không thể mô tả mầu niệm này rõ ràng hơn chính những lời Chúa phán được ghi trong Chương 5 Phúc Âm thánh Gioan, Chúa nói về chính Chúa: “Con không thể làm điều gì Cha không làm, nhưng Con làm cũng những việc Cha làm vì Cha yêu Con; và nếu Cha cho kẻ chết sống lại, Con cũng làm cho sống lại kẻ nào Cha muốn, và Cha cho Con quyền xét xử tất cả, ngõ hầu mọi người tôn vinh Cha thế nào cũng tôn vinh Con như thế; vì không ai có thể tôn vinh Cha mà không tôn vinh Con” (Gioan 5:19-23). Thiên Chúa Cha ban cho Chúa Con quyền phán xét, vì Chúa Con là Con người, mà nhân tính của Chúa do Đức Hiền Mẫu Maria. Do tính cách giống nhau giữa Chúa Con và Đức Hiền Mẫu, quyền xét xử được dành cho Đức Hiền Mẫu theo cùng thể thức Thiên Chúa Con được Thiên Chúa Cha thông cho. Đức Maria là mẹ hay thương xót và đại lượng đối với tất cả mọi con cái Adong nào kêu cầu Mẹ. Thêm nữa Thiên Chúa muốn nhân loại kính yêu Mẹ, như họ tôn kính Con và Thiên Chúa thực của Mẹ. Vì là Hiền Mẫu đích thực của Chúa, Chúa cho Mẹ chia sẻ quyền của Chúa theo mức độ và tỉ lệ xứng hợp với Mẹ vì là Mẹ Chúa và là một thụ tạo.

 Với quyền lực này, Đức Nữ Vương cao cả gởi thiên thần tới Caesarea, nơi Herode ở, để thi hành đức công chính của Thiên Chúa đối với Herode. Thiên thần lập tức thi hành án lệnh. Thánh sử Luca kể rằng thiên thần Chúa đánh ngã Herode và y bị giòi bọ ăn hết da thịt. Cũng theo lời thánh Luca thì dường như sau khi chặt đầu thánh Giacôbê và sau khi thánh Phêrô thoát ngục, Herode xuống miền Caesarea để dàn xếp một vài khó khăn xảy ra giữa y và dân cư miền Sidon và Tyre (Tđcv 12:23). Trong những ngày tại đây, y mặc cẩm bào màu tím, ngồi trên ngai, lớn tiếng hô hào dân chúng. Dân chúng, vốn ưa tâng bốc bợ đỡ phù phiếm, coi y là người chiến thắng và tựa như thần linh. Herode, với lòng tự cao tự đại hợm hĩnh điên khùng, hài lòng vì lời nịnh hót bợ đỡ này. Thiên thần Chúa đánh y, như lời thánh Luca kể, vì y không dâng vinh danh lên Thiên Chúa, mà tự ý kiêu ngạo hợm hĩnh chiếm đoạt cho mình vinh dự thần linh. Mặc dầu đây là tội ác cuối cùng y phạm. Tội này làm đầy tràn tình trạng tội lỗi của y. Y đáng chịu hình phạt không những chỉ vì tội này, mà cũng vì nhiều trọng tội khác y mắc phạm trong việc hành hạ khủng bố các thánh Tông Đồ, chế nhạo Chúa Cứu Thế (Lc 23:11), chặt đầu thánh Gioan Tẩy Giả (Mc 6:27), phạm tội ngoại tình với chị/em dâu Herodiat của y, và nhiều tội ghê tởm khác.

 Thiên sứ trở lại Ephesô tường trình việc thi hành án phạt Herode. Đức Hiền Mẫu Maria nhân từ xót thương đã khóc vì sự hư mất của y. Nhưng Mẹ ca tụng đức công thẳng của Chúa và tạ ân Chúa vì ân điển mà Giáo Hội được hưởng. Theo lời thánh Luca (Tđcv 12:24), Giáo Hội lớn lên và phát triển nhờ lời Thiên Chúa. Việc này xác thực không phải chỉ riêng tại Galilea và Judea, mà Giáo Hội cũng tiếp tục bám rễ sâu tại Ephesô, tại các nơi khác thuộc miền Đông Á lân cận và vùng biên giới Âu Châu.

 Phần thánh Gioan, khi tới Ephesô, ngài khởi đầu rao giảng, rửa tội những người tin theo Chúa Cứu Thế và củng cố đức tin họ bằng nhiều phép lạ, những việc lạ lùng mà những người dân ngoại chưa hề thấy. Nền văn học Hy Lạp tại các nước đó sản xuất nhiều triết gia và học giả nhiều ngành, nhưng thánh Tông Đồ dạy mọi người khoa học đức tin. Không những ngài chỉ dùng các phép lạ để minh chứng, mà cũng do việc tranh luận về tính cách vững vàng chắc chắn đức tin Kitô Giáo. Thánh Gioan gởi các tân tòng tới xin Mẹ Maria chỉ dạy. Mẹ biết rõ các khuynh hướng bề trong của mọi người. Mẹ nói với trái tim từng người, đổ đầy tràn trái tim họ ánh sáng thiên đàng. Mẹ làm nhiều việc lạ lùng vì lợi ích cho những người bất hạnh, chữa lành người bị quỉ ám và người tật nguyền, cứu giúp người khốn cùng nghèo khó. Bằng chính lao động của tay Mẹ, Mẹ đích thân giúp đỡ săn sóc từng bệnh nhân tại các nhà thương. Mẹ Maria cung cấp y trang cho những người nghèo khó nhất và bị đồng bào họ bỏ rơi. Mẹ cứu giúp nhiều người trong giờ lâm chung, cứu các linh hồn này trong những giây phút đau đớn sau cùng của họ, đem họ về với Đấng Tạo Hóa.

LỜI MẸ MARIA

 

 Tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa Cha hằng hữu, Đấng ngự trên trời (Mt 23:9), đều có bổn phận săn sóc lo âu cho anh chị em mình tùy theo hoàn cảnh mỗi người. Trách nhiệm này đặc biệt đối với con cái Giáo Hội, những người có thể thực hiện trách nhiệm đó qua lời cầu nguyện. Tuy nhiên trách nhiệm này còn đặc biệt hơn nơi những người có ảnh hưởng đối với các Kitô hữu, nơi những người được hưởng nhiều ân sủng từ lòng quảng đại vô cùng của Đấng Tối Cao. Những người, nhờ luật Chúa Kitô, được ưu ái về phương tiện trần thế, nhưng lợi dụng quyền thế và ảnh hưởng để phục vụ và thoả mãn xác thịt, chính là những người sẽ phải chịu hình phạt đau đớn khốc liệt hơn (Mt 23:9). Nếu các vị chủ chăn và những người đứng đầu trong nhà Chúa chỉ tìm cuộc sống an nhàn, không lo lắng tham dự các việc cực nhọc với lòng sốt sắng chân thành, những người đó tự làm cho họ phải chịu trách nhiệm về sự hư đi của đoàn chiên Chúa Kitô, về sự tàn sát do các chó sói hoả ngục gây ra. Con của Mẹ, các Kitô hữu bị xô đẩy vào tình trạng đáng khóc than chừng nào bởi các vị chủ chăn, các chức quyền ác độc! Ôi những hỗn độn và hình phạt nặng nề chờ đợi những người đó! Họ sẽ không thể bào chữa trước toà Đấng Phán Xét chí công; vì chân lý Công Giáo làm cho họ giác ngộ, lương tâm họ lớn tiếng tố cáo họ, trong khi họ tự ý làm ngơ giả điếc trước các lời cảnh cáo.

 Mục đích của Thiên Chúa bị hững hờ quên lãng, không người tranh đấu bảo vệ. Sản nghiệp của Chúa là các linh hồn bị xao lãng, không tăng thêm; mọi người dường như chỉ chú ý tới tư lợi, theo sự gian xảo riêng tư và đời sống cá nhân. Chân lý bị khuất lấp, nịnh hót bợ đỡ lên ngôi, tính ham lợi được thả lỏng, Máu cực châu báu Chúa Kitô bị chà đạp dưới chân, các thành quả Ơn Cứu Chuộc bị coi thường khinh miệt. Không một ai muốn hy sinh sự thoải mái hoặc tư lợi để cứu vớt các linh hồn mà Chúa Cứu Thế đã chuộc bằng Máu và Mạng Sống của Ngài. Ngay cả đến các bằng hữu Thiên Chúa cũng bị ma quỉ ảnh hưởng. Họ không sử dụng lòng bác ái nhân từ và đặc quyền linh thánh của nhân đức đó như đáng lẽ phải làm. Hầu hết những người đó tự để cho mình lệ thuộc tính hèn nhát, tự thoả mãn với việc chỉ hành động cho riêng họ, mà bỏ quên sự nghiệp chung linh hồn người khác. Con của Mẹ, vì thế lúc này con có thể hiểu sau khi Giáo Hội Phúc Âm được Thiên Chúa Con Mẹ thiết lập, được tưới bón bằng chính Máu Thánh Chúa, Giáo Hội đã trải qua những thời kỳ đau khổ, mà chính Chúa than phiền về những thời ký đó qua lời các thánh Tiên Tri: châu chấu ăn những gì hoàng trùng ăn sót lại, cào cào ăn phần châu chấu bỏ sót lại, và chỗ còn lại bị sặt sành tiêu hủy (Joel 1:4), và để thâu góp phần nào hoa trái trong vườn nho của mình, Chúa đi khắp vườn như người đi mót, kiếm một vài trái nho hoặc trái ô liu sót lại mà chưa bị khô, hoặc chưa bị ma quỉ đưa đi mất (Is. 24:13).

 Con của Mẹ, nói Mẹ nghe nếu con vẫn thực lòng yêu mến Thiên Chúa Con Mẹ và Mẹ thì làm cách nào con có thể tìm được an ủi hoặc nghỉ ngơi trong lòng khi nhìn thấy sự hư mất của những linh hồn đã được cứu chuộc bằng Máu Thánh Chúa và Mẹ đã tìm kiếm bằng huyết lệ? Ngay cả hiện nay, nếu Mẹ có thể nhỏ huyết lệ, hẳn Mẹ khóc chảy máu mắt và lòng đau xót trắc ẩn mới. Bây giờ Mẹ không thể khóc vì những mối nguy hiểm thường trực đe dọa Giáo Hội, Mẹ muốn con làm việc đó, khước từ an ủi riêng tư vì điều bất hạnh quá sức ác hại và hết sức đáng khóc than. Vì thế con hãy khóc cay đắng, đừng để mất giá trị của nỗi đau đớn lớn lao như thế. Con hãy để cho sự đau đớn đó quá sức sâu xa đến độ con không tìm kiếm được chút an ủi nào ngoại trừ trong Chúa Đấng con yêu thương. Con hãy nghĩ tới những việc Mẹ đã làm, để ngăn chặn việc luận phạt Herode đời đời và ngăn ngừa việc đó cho những người nào muốn làm cho họ xứng đáng hưởng ơn cầu bầu của Mẹ. Trong thị kiến hạnh phúc, Mẹ không ngừng cầu xin ơn cứu rỗi cho những người cậy nhờ Mẹ. Con đừng để cho các vất vả khổ cực và đau khổ Thiên Chúa Con Mẹ gởi cho con không giúp ích gì cho anh chị em con và không giành cho họ được ơn có Chúa Kitô. Giữa các thương tích do con cái Adong gây ra cho Chúa, con hãy tận lực đền bù các đau đớn dó phần nào bằng sự trinh trắng của linh hồn con, mà Mẹ ước ao sẽ là sự trinh trắng của một thiên thần hơn là một phụ nữ nhân thế. Con hãy chiến đấu các trận chiến đấu của Chúa chống lại các kẻ thù Chúa. Nhân danh Chúa và Mẹ, con hãy đạp nát đầu chúng, khống chế lòng kiêu ngạo của chúng và liệng chúng vào hoả ngục. Con cũng hãy khuyên các thừa tác Chúa Kitô dùng quyền lực các vị đó bảo vệ đức tin sống động nơi các linh hồn và vinh danh Chúa, như thế các vị đó sẽ trấn áp và chiến thắng hỏa ngục bằng quyền năng Thiên Chúa.